PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG: BƯỚC ĐI VỮNG CHẮC CỦA ĐÔNG TRIỀU

04/05/2023

PTBV1

Tổng thể các hạng mục chùa Trung Tiết mới được trùng tu, tôn tạo.

Theo thống kê của thị xã, trong giai đoạn từ năm 2012 đến nay, Đông Triều đã dành cả ngàn tỷ đồng cho di tích, trong đó dành một phần quan trọng để đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng. Tiêu biểu như 5 tuyến đường lớn, trong đó có những tuyến mang tính chất “xương sống” để khai thác, kết nối các di tích như: Yên Tử - Hồ Thiên, Trại Lốc - Ngọa Vân, Ngã tư Đông Triều - Bình Khê... hàng chục tuyến đường khác đang thi công để mở rộng, kết nối di tích như Cầu Máng - Bình Khê, đường ra Bến Đụn (Yên Đức), đường kết nối với Bắc Giang...

Trùng tu, tôn tạo di tích là hoạt động đầu tư nổi bật của Đông Triều để phát triển du lịch bền vững. Theo ông Vũ Văn Tuấn, Trưởng Ban Quản lý Khu di tích nhà Trần (TX Đông Triều), mục tiêu của thị xã là hướng tới bảo tồn ở trạng thái tốt nhất tổng thể hệ thống 121 di tích, cụm, điểm di tích trên địa bàn, trong đó chú trọng những di tích gốc, có ý nghĩa, giá trị lịch sử lớn, mang tính “hồn cốt” trong tổng thể di tích nhà Trần ở địa phương. 

Cuối tháng 2 vừa qua, sau hơn 3 năm trùng tu, tôn tạo với kinh phí trên 100 tỷ đồng, di tích Thái Miếu đã chính thức mở hội trở lại, làm nức lòng du khách. Trước đó không lâu, chùa Trung Tiết cũng được khánh thành sau 2 năm đầu tư với tổng kinh phí gần 80 tỷ đồng. Ngoài Thái Miếu, Trung Tiết, nhiều di tích khác cũng đang trong quá trình trùng tu, tôn tạo, bảo tồn giá trị như Quỳnh Lâm, Hồ Thiên, Nguyên Lăng, Thông Đàn, Đô Kiệu, phủ Am Trà…

PTBV2

PTBV3

Cuối tháng 2/2019 vừa qua, di tích Thái Miếu được khai hội trở lại sau 3 năm trùng tu, tôn tạo.

Điều đáng nói, nguồn vốn dành cho đầu tư tôn tạo di tích của TX Đông Triều trong thời gian qua chủ yếu từ nguồn xã hội hóa, do nhân dân, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp đóng góp. Tính từ năm 2012 đến nay, nguồn kinh phí này lên đến gần 300 tỷ đồng, trong đó 70% là nguồn xã hội hóa. Không ít doanh nghiệp tham gia trùng tu, tôn tạo di tích theo hình thức “chìa khóa trao tay”, khâu đầu tư do doanh nghiệp đảm nhận, sản phẩm hoàn thành được giao cho địa phương quản lý, khai thác. Đơn cử như Tập đoàn An Viên đầu tư 2 điểm tháp cổ tại khu vực Thông Đàn; Quỹ Thiện tâm của Tập đoàn Vingroup đầu tư chùa Trung Tiết...

Riêng đối với Quỹ Thiện tâm, cũng từ công trình chùa Trung Tiết, đã chính thức ký cam kết hỗ trợ TX Đông Triều 500 tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo di tích nhà Trần giai đoạn 2018-2020. Trong đó hiện đang thi công dự án tại di tích lăng Nghệ Tông; đang thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư chùa Thượng Ngọa Vân; tiến tới đầu tư các di tích Đá Chồng, Hồ Thiên...

Từ định hướng phát triển của thị xã, hệ thống di tích dày đặc, ý nghĩa... và trên hết là thiện chí đầu tư của các doanh nghiệp, trên địa bàn Đông Triều ngày càng xuất hiện nhiều sản phẩm du lịch ấn tượng. Hiện nay các doanh nghiệp đang tiếp tục đầu tư, hoàn thiện những sản phẩm du lịch tâm linh mới, tiêu biểu như điểm dừng chân du lịch hồ Trại Lốc, sân golf và khu nghỉ dưỡng Khe Chè, khu dịch vụ tâm linh nhà Trần...

PTBV4

Chùa Quỳnh Lâm được bảo tồn hiệu quả, là ngôi chùa đẹp của tỉnh.

Dự án sân golf và khu nghỉ dưỡng Khe Chè do Tập đoàn Vingroup đầu tư hiện đang được cơ quan chức năng của tỉnh trình Trung ương bổ sung vào quy hoạch sân golf quốc gia. Dự án Khu dịch vụ tâm linh nhà Trần do Tập đoàn My Way đầu tư với 10 phân khu chức năng, trong đó có các phân khu điểm nhấn như: Làng thiền, làng nông nghiệp, viện Phật giáo, khu khám chữa bệnh bằng thuốc nam, thung lũng hoa, bảo tàng Trần Nhân Tông...

Có thể thấy, với mục tiêu phát triển du lịch bền vững và giá trị cao, Đông Triều đã và đang có những bước đi vững chắc, trong đó tập trung cho các điều kiện tiên quyết là hạ tầng giao thông, bảo tồn giá trị di tích, các sản phẩm du lịch phát triển từ di tích...

Nguồn: Việt Hoa - Báo Quảng Ninh online

Ẩm thực

Địa điểm