KHAI MẠC LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG ĐỀN AN SINH NĂM 2016

28/04/2023

KHAI MẠC LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG ĐỀN AN SINH NĂM 2016

Sáng 20/9/2016 (tức ngày 20/8 âm lịch), tại đền An Sinh, xã An Sinh, UBND thị xã Đông Triều đã long trọng tổ chức khai mạc lễ hội truyền thống Đền An Sinh năm 2016- Di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều. Về dự lễ khai hội có đồng chí Nguyễn Đức Long, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Vũ Thị Thu Thuỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện các sở, ban, ngành, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương có liên quan cùng đông đảo du khách thập phương. Về phía thị xã, có các đồng chí Vũ Văn Học- Bí thư thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã; đồng chí Hoàng Văn Thắng- Phó bí thư thường trực thị ủy; đồng chí Hà Hải Dương- TUV, Phó Bí thư thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã và đông đảo nhân dân, du khách thập phương.

Màn trống hội tưng bừng khuấy động sân khấu lễ hội

Các làng chuẩn bị những mâm lễ dâng lên các vua Trần.

Đông đảo quý đại biểu và nhân dân, du khách thập phương về dự lễ hội

Đồng chí Hà Hải Dương- TUV, Phó Bí thư thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã phát biểu khai mạc lễ hội

Đồng chí Nguyễn Đức Long, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh gióng trống khai hội.

Đồng chí Vũ Văn Học- Bí thư thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã gióng chiêng khai hội.

Các đại biểu dâng hương tại lễ khai hội.

Màn múa rồng đẹp mắt, sinh động tại lễ khai hội.

Các đoàn tế lễ tại lễ hội

Một trong những lễ hội được người dân thị xã Đông Triều mong chờ nhất chính là Lễ hội truyền thống di tích lịch sử Đền An Sinh. Mỗi độ tiết trời vào thu “nắng tháng tám làm rám trái bưởi” là đền An Sinh lại tưng bừng mở hội, thu hút đông đảo du khách thập phương hành hương tìm về nơi quê gốc của nhà Trần. Giống như mọi năm, không khí của Lễ hội năm nay đông vui, khí thế, hoành tráng và rực rỡ. Con đường đi vào Đền An Sinh được căng treo cờ hội, pa nô, áp phích và phong quang, sạch đẹp. Du khách đến với Lễ hội dễ dàng bắt gặp những tấm biển trang trí hoa văn truyền thống nêu tóm tắt những giá trị tiêu biểu nhất của Khu di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều.
Đền An Sinh (xưa kia còn gọi là Điện An Sinh) toạ lạc trên một đồi đất thoai thoải giữa vùng địa linh ở thôn Trại Lốc, xã An Sinh, thị xã Đông Triều. Phía sau Đền là lăng miếu các vị vua nhà Trần. Theo tư liệu khảo sát thực địa về điện An Sinh của Viện Mỹ thuật Mỹ nghệ Trung ương tháng 6 năm 1968 thì Điện An Sinh có một thời gian được sử dụng làm trường học cho học sinh miền Nam. Khu này vốn là một vùng bãi rộng, sau ngày hòa bình, Bộ giáo dục cho dựng nhiều nhà gạch để lập trường học cho những học sinh từ miền Nam ra tập kết. Vào thời Nguyễn, Điện được xây dựng lại với kiến trúc gồm ba toà nhà rộng 5 gian theo kiểu chữ “Tam”. Lúc này trong Đền thờ không chỉ 5 vị mà là 8 vị hoàng đế triều Trần. Hai bên có các dãy nhà khách và dãy nhà cho người coi Đền ở. Ngoài ra, bên cạnh Đền có hai miếu nhỏ, một thờ Bà Hoàng và một thờ Đức Thánh Khổng Tử. Chung quanh có thành bao bọc rộng. Phía trước cửa có bia nhỏ đề “Hạ mã” và “Tiêu diệc”. Năm 1997 - 2000, để bảo tồn và phát huy giá trị Di tích An Sinh, UBND huyện Đông Triều (nay là thị xã Đông Triều) đã trùng tu, tôn tạo trên nền khu di tích cũ, gọi là đền An Sinh và đặt tượng tám vị vua nhà Trần có lăng mộ ở An Sinh, gồm: Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Anh Tông, Trần Minh Tông, Trần Hiển Tông, Trần Dụ Tông, Trần Nghệ Tông và Trần Giản Định ở hậu cung. Khu vực Trung đường đặt tượng thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, vị tướng kiệt xuất của thời Trần.
Lễ hội truyền thống Đền An Sinh được tổ chức hằng năm từ ngày 20/8 đến ngày 22/8 âm lịch. Lễ hội năm nay được tổ chức với quy mô cấp thị xã. Tại Lễ khai mạc năm nay diễn ra nhiều hoạt động phong phú, sinh động thu hút sự quan tâm theo dõi của nhân dân, đặc biệt là màn Múa rồng. Múa rồng là một hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng nông nghiệp mang tính phồn thực cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Chính vì vậy, múa rồng trở thành một trong những truyền thống văn hóa lâu đời và có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống của người dân Việt Nam. Không chỉ làm rộn ràng ngày hội, khi múa rồng là lúc con người hòa vào vũ trụ để gọi sấm, gọi mây, đồng thời để thỉnh cầu các vị thần siêu nhiên cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu... Vì thế, mấy năm gần đây, Lễ hội truyền thống Đền An Sinh luôn có màn múa Rồng để thể hiện tinh thần thượng võ, truyền thống uống nước nhớ nguồn, cầu mong phát đạt, thịnh vượng.
Không chỉ được chứng kiến màn múa rồng hoành tráng, các quan khách, đại biểu, nhân dân và du khách thập phương đã được chứng kiến màn trống hội đặc sắc do các nghệ sĩ đến từ Đoàn nghệ thuật Cải lương Quảng Ninh biểu diễn. Tiếng trống hội vang lên vừa mang âm hưởng linh thiêng, hội tụ hồn thiêng sông núi vừa biểu đạt sự hào sảng của ngày tháng vua tôi nhà Trần đồng tâm đánh giặc, sông núi âm vang lời thề sát thát, tướng sĩ một lòng phụ tử, hoà nước sông chén rượu ngọt ngào.
Lễ hội truyền thống di tích lịch sử Đền An Sinh là dịp để mọi người về vùng đất thiêng này tìm hiểu thêm công lao to lớn của các vua Trần- một triều đại hiển hách chiến công trong chống giặc ngoại xâm, vua tôi đoàn kết một lòng, bảo vệ giữ gìn non sông Đại Việt. Đây cũng là dịp để mọi người tìm hiểu thêm giá trị lịch sử văn hóa của Đền An Sinh, nơi thờ tự 8 vị vua Trần và khu lăng mộ các vua Trần, qua đó thêm tự hào, tiếp tục phát huy truyền thống và hào khí Đông A trong công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, thể hiện sâu sắc đạo lý của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”.
Tiếp đến là Lễ dâng hương tưởng niệm các vua Trần, cầu nguyện Quốc thái Dân an; thăm quan Nhà trưng bày di sản văn hóa nhà Trần; Dâng hương tại đền Thái, các lăng mộ vua Trần và các di tích nhà Trần tại Đông Triều…
Đến khu di tích lịch sử, văn hoá đền An Sinh, du khách sẽ có thêm cơ hội tìm hiểu về các đời vua Trần và cảm nhận được hào khí Đông A và lòng tự hào dân tộc của ông cha ta thuở trước:
Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã
Sơn hà thiên cổ điện kim âu
nghĩa là:
Xã tắc hai phen chồn ngựa đá
Non sông ngàn thưở vững âu vàng.

Ngoài phần lễ, tại Lễ hội truyền thống đền An Sinh năm 2016 còn diễn ra các giải thể dục thể thao như: Bóng chuyền, cờ tướng, kéo co, đẩy gậy, võ thuật cổ truyền, cùng các trò chơi dân gian đập niêu, bắt chạch trong chum, tung còn, bịt mắt bắt lợn, đi cầu kiều…Các buổi tối sẽ diễn ra Liên hoan văn nghệ các làng, khu phố thị xã Đông Triều năm 2016 tạo không khí vui tươi, lành mạnh trong lễ hội.
Lễ hội truyền thống đền An Sinh mang đầy giá trị nhân văn sâu sắc, với ý nghĩa hướng về cội nguồn; là dịp để mọi người về tham quan những di sản nhà Trần trong Khu di tích quốc gia đặc biệt ở Đông Triều./.

Cổng thông tin điện tử Thị xã Đông Triều.

Ẩm thực

Địa điểm