LỄ TƯỞNG NIỆM 712 NĂM ĐỨC VUA - PHẬT HOÀNG TRẦN NHÂN TÔNG NHẬP NIẾT BÀN TẠI AM NGOẠ VÂN

13/12/2020 13/12/2020 123 1

LỄ TƯỞNG NIỆM 712 NĂM ĐỨC VUA - PHẬT HOÀNG TRẦN NHÂN TÔNG NHẬP NIẾT BÀN TẠI AM NGOẠ VÂN

TN1

Tại lễ tưởng niệm, các đại biểu cùng hàng nghìn tăng ni phật tử thực hiện các nghi thức tưởng niệm, dâng hương và cùng nhau ôn lại sự nghiệp và tôn vinh công đức to lớn của vị vua anh hùng - Ðức Phật hoàng Trần Nhân Tông (1258 - 1308).

Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông là người có nhiều đóng góp và có vị trí đặc biệt trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Với đời, Ngài là vị vua anh minh kiệt xuất, đã lãnh đạo đoàn kết nhân dân hai lần đánh thắng giặc Nguyên - Mông. Sau khi nhường ngôi báu cho người kế vị, Ngài đã dành tâm huyết để xây dựng và thực thi kế sách khoan hòa trong nhân dân, đề ra chính sách dưỡng dân, an dân để xây dựng, phát triển mở mang đất nước. Với đạo, Ngài là thiền sư đắc đạo, là người sáng lập và lãnh đạo Phật giáo Trúc Lâm, nền Phật giáo thống nhất riêng có của Việt Nam. Với tấm lòng vì dân, với nhãn quan của một vị vua minh triết, một nhà sư giác ngộ, Ngài chủ trương xây đạo để nuôi dưỡng, phát huy nhân tâm thuận hòa, xây dựng, bồi đắp tính độc lập, sức tự cường, vun bồi sự hòa hợp trong thế gian. Tư tưởng ấy là cội rễ làm nên sức mạnh lâu bền của dân tộc, theo thời gian đã trở thành truyền thống của dân tộc Việt Nam.

 TN6

Thông qua lễ tưởng niệm đánh giá đúng vai trò của Đức Vua- Phật Hoàng Trần Nhân Tông trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, sự nghiệp Đại đoàn kết các dân tộc, các tôn giáo Đại Việt, sự nghiệp tu hành và tư tưởng vĩ đại của Phật giáo Trúc Lâm đã ảnh hưởng sâu rộng đối với nền văn hóa, Phật giáo Việt Nam. Lễ tưởng niệm 712 năm ngày Nhập niết bàn của Phật Hoàng Trần Nhân Tông là dịp để tăng ni, phật tử, đồng bào các dân tộc Việt Nam học tập, phát huy tinh thần nhập thế, tinh thần yêu nước của Phật giáo Việt Nam. Với tư tưởng “Hòa quang Đồng trần”, “Cư trần Lạc đạo” của Thiền phái Trúc Lâm, luôn là kim chỉ nam trong hoạt động lợi đạo ích đời của những người con Phật Việt Nam từ xưa đến nay. Tư tưởng đó đã biến thành phương châm “Đạo pháp- Dân tộc- Chủ nghĩa xã hội” của Phật giáo Việt Nam hiện nay.

TN5

TN2

Sau khi tiến hành các nghi lễ tại chùa Ngọa Vân, các đại biểu đã hành hương lên am Ngọa Vân dâng hương tại tháp Phật hoàng và am Ngọa Vân - nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn. Ngọa Vân không chỉ hội tụ vẻ đẹp mênh mang của cánh cung Đông Triều, của Bảo Đài sơn mà còn linh thiêng vì còn lưu giữ được tháp Phật Hoàng chứa xá lợi của vị tổ đầu tiên sáng lập ra Thiền phái Trúc lâm Yên Tử. Ngay sau Đại lễ tưởng niệm Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông thì tại đây đã diễn ra Lễ động thổ, khởi công tu bổ, tôn tạo chùa Thượng Ngoạ Vân.

 TN8

Công trình tu bổ, tôn tạo chùa Thượng Ngoạ Vân có tổng kinh phí trên 29,1 tỷ đồng bằng nguồn xã hội hoá. Công trình được thiết kế theo phương án quy hoạch lại toàn bộ không gian cảnh quan khu am với 3 phân khu: Bàn Cờ tiên; khu am tháp và khu phụ trợ, dựa trên điều kiện thực tế, với nguồn quỹ đất hiện có, tôn trọng tuyệt đối hiện trạng địa hình và cảnh quan của khu di tích.

 TN9

Là một trong 5 ngôi chùa thuộc Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều, hệ thống chùa, am, tháp Ngoạ Vân là những kiến trúc phật giáo lớn của Thiền phái Trúc Lâm được hình thành vào đầu thế kỷ XIV thuộc thôn Tây Sơn, xã Bình Khê (TX Đông Triều). Ngọa Vân là điểm dừng chân cuối cùng trong cuộc đời tu hành, giảng pháp, độ tăng của Phật hoàng Trần Nhân Tông, là vùng Thánh địa linh thiêng của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử. Đây là một phần quan trọng trong tổng thể Khu di tích quốc gia đặc biệt nhà Trần thị xã Đông Triều.

 TN11

TN10

Việc tu bổ, tôn tạo chùa Thượng Ngoạ Vân là việc làm mang đầy ý nghĩa và giá trị nhân văn sâu sắc hướng về cội nguồn dân tộc, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân và du khách thập phương hành hương về “thánh địa “ của Thiền phái Trúc Lâm – nơi đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông tu hành và nhập Niết bàn.

 

Nguồn: Thu Trang- Ngô Hưng- Trần Thuyết (TTVH)

Bản đồ